Nghiệm thu hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường lĩnh vực Cơ khí
Sáng ngày 25/07/2024, Phòng Khoa học Công nghệ Nhà trường phối hợp với Trường Cơ khí – Ô tô tổ chức nghiệm thu hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường lĩnh vực Cơ khí dưới sự chủ trì của PGS.TS. Phạm Văn Đông –Chủ tịch Hội đồng, Phó Hiệu trưởng Nhà trường.
PGS.TS. Phạm Văn Đông – Chủ tịch Hội đồng, Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu
Đề tài: “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị đo biên dạng không tiếp xúc phục vụ trong nghiên cứu và đào tạo” được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu do ThS. Nguyễn Văn Quê – giảng viên Trường Cơ khí – Ô tô làm chủ nhiệm đề tài.
Tại buổi nghiệm thu, tác giả đã đưa ra những mục tiêu chính của đề tài: nghiên cứu tổng quan về kỹ thuật đo không tiếp xúc trong gia công; nghiên cứu về các phương pháp và thiết bị sử dụng trong đo không tiếp xúc. Xây dựng mô hình thiết bị đo không tiếp xúc, nghiên cứu đề xuất các mô hình thực nghiệm, phương pháp xử lý dữ liệu; ứng dụng thiết bị đo không tiếp xúc trong gia công (bánh răng, cánh xoắn, các chi tiết thành mỏng...); thực nghiệm và xây dựng mối liên hệ giữa thông số công nghệ với độ sai lệch biên dạng một số dạng chi tiết trong quá trình gia công.
ThS. Nguyễn Văn Quê trình bày tóm tắt nội dung, kết quả đề tài nghiên cứu khoa học.
Từ đó nhóm tác giả đã đưa ra kết luận của đề tài: Thiết bị đo lường không tiếp xúc đáp ứng được các phép đo như: Đo độ nhám, đo độ phẳng, đo sai lệch biên dạng, đo biên dạng, đọ đảo, độ tròn.. Với kết quả đo được so sánh với kết quả đo trên các máy hiện đại khác với sai lệch dưới 10%. Sản phẩm của đề tài có thể áp dụng cho quá trình đo trực tiếp hoặc như 1 thiết bị đo độc lập sau gia công. Đồng thời đưa ra các kiến nghị: tiếp tục phát triển hướng nghiên cứu về công nghệ đo lường tích cực hướng đến tự động hóa quá trình đo kiểm, kiểm soát chất lượng và nghiên cứu tích hợp hệ thống điều khiển tự tối ưu. Kết hợp với doanh nghiệp để hợp tác phát triển các thiết bị đo không tiếp xúc.
Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu đề tài NCKH cấp trường do ThS. Nguyễn Văn Quê làm chủ nhiệm
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Ủy viên phản biện, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Nhà trường phát biểu góp ý, nhận xét đề tài
Hội đồng đánh giá đề tài có tính khoa học và tính thực tiễn. Hội đồng nhất trí đánh giá đề tài xếp loại Đạt.
Đề tài: “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị đánh bóng từ tính sử dụng mảng từ trường HalBack tròn” được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu do ThS. Nguyễn Duy Trinh – giảng viên Trường Cơ khí – Ô tô làm chủ nhiệm đề tài.
Đề tài được xây dựng với mục đích nâng cao chất lượng bề mặt và hiệu quả trong quá trình đánh bóng từ tính bằng cách tích hợp hệ thống tuần hoàn chất lỏng từ tính kết hợp với mảng Halbach tròn. Hệ thống tuần hoàn liên tục của các hạt mài trong khu vực đánh bóng được thực hiện thông qua băng tải, đảm bảo quá trình đánh bóng không bị gián đoạn và ổn định.
ThS. Nguyễn Duy Trinh trình bày tóm tắt nội dung, kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu đã giới thiệu một mô hình mới trong lĩnh vực đánh bóng từ tính, với những cải tiến đáng chú ý như sau:Mô hình đánh bóng đề xuất sử dụng hệ thống tuần hoàn chất lỏng từ tính nhằm tạo các hạt mài mới trong khu vực đánh bóng. Đây là một bước tiến quan trọng so với các phương pháp truyền thống, nơi các hạt mài mòn thường bị tiêu hao mà không được tái sử dụng từ đó duy trì hiệu suất đánh bóng cao và ổn định suốt quá trình. Mảng Halbach tròn là một cải tiến quan trọng được áp dụng nhằm tạo ra từ trường mạnh trong khu vực đánh bóng. Điều này không chỉ tối ưu hóa lực từ mà còn giúp kiểm soát chính xác hơn quá trình đánh bóng, giảm thiểu sự phân tán lực và tăng cường hiệu quả đánh bóng lên mức cao nhất. Thông qua việc sử dụng băng tải để vận chuyển các hạt mài mòn mới vào dung dịch đánh bóng nhằm đảm bảo quá trình đánh bóng diễn ra liên tục và không bị gián đoạn.
Nghiên cứu đã áp dụng mô hình này trên vật liệu Polymethyl Methacrylate (PMMA) và hợp kim Ti-6Al-4V các chất liệu phổ biến trong chế tạo thấu kính quang học, hàng không vũ trụ và thiết bị y tế. Việc đạt được độ nhám bề mặt dưới 50 nm từ mức ban đầu khoảng 464.895 nm chứng tỏ tính hiệu quả và đột phá của phương pháp. Kết quả chất lượng bề mặt thu được không chỉ minh chứng cho khả năng cải thiện đáng kể chất lượng bề mặt mà còn mở ra cơ hội ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp quang học và y sinh. Mô hình đánh bóng từ tính sử dụng dòng từ tính tuần hoàn và mảng Halbach tròn không chỉ là một cải tiến kỹ thuật đơn thuần mà còn mang lại những giá trị khoa học đáng kể, mở ra những hướng đi mới cho nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nghiên cứu không chỉ dừng lại ở việc thiết lập mô hình mà còn phân tích chi tiết các yếu tố ảnh hưởng như kích thước hạt mài, hạt từ tính, khoảng cách đánh bóng và tốc độ băng tải tới nhám bề mặt.
Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị đánh bóng từ tính sử dụng mảng từ trường HalBack tròn”
Đề tài được hội đồng đánh giá có tính mới, ý nghĩa khoa học lớn và thực tiễn cao. Đề tài được Hội đồng nhất trí đánh giá xếp loại xuất sắc.
Thứ Sáu, 10:03 26/07/2024