Hội nghị khoa học và công nghệ toàn quốc về Cơ khí lần thứ VII
Hội nghị Khoa học và Công nghệ toàn quốc về cơ khí là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu công bố các kết quả, định hướng phát triển về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và giao lưu hợp tác trong lĩnh vực cơ khí. Năm nay Tổng hội Cơ khí Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức hội nghị để tiếp tục phát huy truyền thống giáo dục đào tạo về nghiên cứu khoa học của Nhà trường.
Hội Nghị Khoa Học và Công Nghệ Toàn Quốc Lần Thứ VII
Tham dự hội nghị gồm có các thành viên trong ban chỉ đạo, Ban tổ chức - Trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội, các vị khách mời là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo sư, tiến sĩ đến từ các Trường Đại học,Học viện, Viện nghiên cứu khác nhau trong cả nước.
Chủ đề hội nghị lần này gồm có các lĩnh vực liên quan đến cơ khí như: Kỹ thuật cơ khí; Cơ khí động lực; Cơ khí nông lâm, xây dựng, giao thông; Tự động hóa, cơ điện tử, robot; Vật liệu cơ khí; Công nghệ nhiệt lạnh, máy năng lượng; Công nghệ may. Quy mô tổ chức hội nghị lần này khá lớn, lĩnh vực báo cáo nghiên cứu đa dạng, các vị khách mời đều là những người có kinh nghiệm chuyên môn cao về lĩnh vực cơ khí. Điều này hứa hẹn cho một buổi hội nghị khoa học công nghệ về cơ khí đầy trang trọng, đa dạng và chuyên nghiệp.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Ngay từ sáng sớm, công tác chuẩn bị cho việc đón tiếp đại biểu, tổ chức hội nghị đã được chuẩn bị đầy đủ. Đối với Trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội sự chu đáo trong những hội nghị toàn thể là yếu tố tiên quyết thể hiện sự tôn trọng lớn đối với các quý đại biểu và các vị khách mời đến tham dự
Mở đầu hội nghị PGS.TS. Phạm Văn Đông-Phó Hiệu trưởng Nhà trường tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu. PGS.TS. Phạm Văn Đông gửi lời cảm ơn sâu sắc đến toàn thể tác giả, nhóm tác giả, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp đã có mặt tại hội nghị thường liên về Cơ Khí lần thứ VII, đồng chí nhấn mạnh hội nghị không chỉ là nơi để các tác giả trình bày bài nghiên cứu của mình và phía hội đồng thẩm định đưa ra đánh giá, phản biện mà đây còn là hình thức tuyên truyền, cổ động sinh viên, các thực tập sinh, các thạc sĩ tiếp tục con đường học tập, nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực Cơ khí, Cơ khí động lực. Đồng chí chúc cho toàn thể thành viên tham dự hội nghị có một buổi sáng làm việc hiệu quả, chúc cho hội nghị được thành công tốt đẹp. Phần tiếp theo của hội nghị là phần trao đổi của TS. Trần Anh Quân-Giám đốc Trung tâm phát triển Công nghệ và tri thức(Teknow) với các đại biểu về Kỹ thuật cơ khí trong thời đại công nghiệp 4.0: Cơ hội thách thức và tiềm năng phát triển bền vững. Đây cũng chính là một bài thuyết trình nổi bật về xu hướng phát triển ngành kỹ thuật Cơ khí trong tương lai
PGS.TS. Phạm Văn Đông- Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Hội nghị
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Sau khi chụp ảnh lưu niệm và nghỉ giải lao giữa giờ, các tác giả, nhóm tác giả được chia về các phân ban khác nhau để chuẩn bị cho việc báo cáo và phản biện chuyên môn. Tất cả được chia làm 6 phân ban, đó là: Cơ khí chế tạo(T3, nhà A10); Cơ khí động lực(T5, nhà A10); Cơ học máy, cơ điện tử và năng lượng(T4, nhà A1); Vật liệu hệ thống công nghiệp(T6, nhà A1); Công nghệ dệt may(T12, nhà A1); Cơ khí nông lâm, xây dựng, giao thông(T4, nhà A1).
Trường Cơ khí-Ô tô có 2 phân ban chính được tổ chức tại tòa A10. Hai phân ban được nhận xét là phân ban có chủ đề hấp dẫn về các lĩnh vực liên quan đến xu hướng phát triển của ngành Công nghệ kỹ thuật Ô tô (CNKT), CNKT Cơ khí trong thời kỳ 4.0
Phiên họp được chia làm 2 phần với 5 bài nghiên cứu được trình bày. Phần 1: diễn ra với ban điều hành là: GS.TS Lê Tuấn Anh, TS. Nguyễn Anh Ngọc, Thư ký: TS. Nguyễn Tuấn Nghĩa. Phần 2: với ban điều hành là: GS.TS.Chu Văn Đạt, PGS.TS.Lê Hồng Quân, thư ký: TS.Lê Đức Hiếu. Điểm đặc biệt trong cuộc họp là khoa Công nghệ Ô tô trường Cơ khí-Ô tô đã có 2 trong tổng số 5 bài được trình bày trước hội nghị. Bài đầu tiên là: “Nghiên cứu ảnh hưởng của sự thay đổi tỷ số nén đến quá trình làm việc của động cơ tại chế độ tải thành phần”-Mã số ID106 do nhóm tác giả: Nguyễn Xuân Khoa, Phạm Văn Tú và Nguyễn trung Kiên trình bày. Điểm đáng chú ý ở đây là sau khi trình bày, nhóm tác giả được TS. Phạm Minh Hiếu - Phó Trưởng khoa Cơ khí động lực vấn đáp về kết quả đầu ra của bài nghiên cứu vượt qua tiêu chuẩn lý thuyết. TS. Phạm Minh Hiếu đánh giá về sự chưa hợp lý của bài nghiên cứu trên và góp ý cần nêu rõ xe ô tô được dùng cho bài nghiên cứu là loại xe sử dụng động cơ xăng hay diesel. Quay đây ta cũng thấy được sự công tư phân minh của đội ngũ giảng viên trường Cơ khí-Ô tô trong các cuộc hội nghị về khoa học và công nghệ. Tiêu chí hàng đầu của trường là sự hợp tác để cùng phát triển, vậy lên những đóng góp chuyên môn từ các thành viên trong đội ngũ giảng viên của trường luôn được ban lãnh đạo đề cao, cổ vũ cùng nhau hoàn thiện hơn về công tác giảng dạy cũng như kiến thức chuyên môn.
ThS. Nguyễn Trung Kiên trình bày đề tài Nghiên cứu ảnh hưởng của sự thay đổi tỷ số nén đến quá trình làm việc của động cơ tại chế độ tải thành phần”
Phần 2 của phiên họp trường Cơ khí-Ô tô lại vinh dự có 1 bài nghiên cứu được trình bày. Đó là bài nghiên cứu “ mô phỏng hệ thống truyền lực vô cấp bằng phần mềm Matlab Simulink”-Mã ID17 do nhóm tác giả: PGS.TS Lê Hồng Quân,TS.Vũ Hải Quân, TS.Nguyễn Anh Ngọc, ThS.Nguyễn Trọng Đức, ThS.Nguyễn Minh Tiến trình bày. Đây là bài báo áp dụng phần mềm mô phỏng vào trong thiết kế tính toán và kiểm nghiệm- là phương pháp hiện đại đang được phát triển trong những năm gần đây, nó tiết kiệm thời gian, tối ưu chi phí cho nhóm nghiên cứu mà vẫn đảm bảo kết quả đầu ra hợp lý. Bài trình bày của THS.Nguyễn Minh Tiến được các thầy trong ban phản biện đặt một số câu hỏi mở về việc sử dụng phần mềm Matlab Simulink và cách sử dụng các thông số đầu vào của xe ô tô để “setup” cho phần mềm.
Hội thảo tại phân ban Cơ khí Chế tạo
Cuộc hội thảo tại hai phân ban về Cơ khí động lực và Cơ khí chế tạo đã diễn ra thành công tốt đẹp, các bài báo được phản biện đưa ra những câu hỏi khó đầy tính chuyên môn được đặt ra liên tục trong suốt quá trình họp. Tất cả cho thấy sự chuyên nghiệp trong công tác tổ chức trình bày, phản biện và đưa ra phương hướng phát triển mới được tất cả các thành viên tham dự đề cao và chú trọng. Sau cuộc họp nhiều kinh nghiệm mới được ghi chép, những điểm mạnh tiếp tục được PGS.TS Hoàng Tiến Dũng nhắc nhở cần phát huy, những điểm hạn chế cần được thay thế, sửa đổi trong thời gian sớm nhất. Cuối cùng là lời cảm ơn của PGS.TS. Hoàng Tiến Dũng gửi đến các tác giả, giáo sư, phó giáo sư, các tiến sĩ và các nhà khoa học đã có đóng góp tích cực cho hội nghị thường niên lần này, hi vọng rằng trong những năm tới sự hợp tác chuyển giao công nghệ, trao đổi kiến thức chuyên môn giữa các đơn vị với nhau tiếp tục được duy trình và phát triển bền vững.
Cuối cùng Trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội gửi lời cảm ơn và lời chúc tốt đẹp nhất đến toàn thể thành viên tham dự hội nghị, chúc cho thế hệ giảng viên có sức khỏe tốt để tiếp tục công tác giảng dạy chuyển giao tri thức của mình, chúc cho thế hệ trẻ Việt Nam ngày càng ham học, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng Việt Nam ngày càng phát triển bền vững.
Thứ Sáu, 14:04 03/11/2023