Trường Cơ khí – Ô tô tổ chức tọa đàm "Đổi mới công nghệ và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh"
Nhằm cung cấp thông tin về các quy định pháp lý liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, giúp các nhà nghiên cứu và các tổ chức liên quan nắm rõ cách bảo vệ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ; Trường Cơ khí – Ô tô đã tổ chức buổi tọa đàm "Đổi mới công nghệ và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh" vào sáng ngày 26 tháng 03 năm 2025. Sự kiện là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt nhất và các thách thức trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Mở đầu buổi tọa đàm, PGS.TS. Hoàng Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Cơ khí – Ô tô nhấn mạnh vai trò quan trọng của đổi mới công nghệ trong sự phát triển khoa học và sáng tạo tại Việt Nam. Thầy khẳng định quyền sở hữu trí tuệ là yếu tố then chốt thúc đẩy sáng tạo trong nghiên cứu và phát triển công nghệ. Tuy nhiên, nhiều giảng viên và nhà nghiên cứu chưa hiểu rõ các quy định pháp lý liên quan. Qua buổi tọa đàm, Thầy hi vọng các giảng viên và nhà nghiên cứu sẽ cùng tìm ra những giải pháp để bảo vệ và phát huy giá trị tài sản trí tuệ, đóng góp vào sự phát triển bền vững của khoa học công nghệ Việt Nam.
PGS.TS. Hoàng Tiến Dũng – Hiệu trưởng Trường Cơ khí – Ô tô phát biểu
TS. Nguyễn Trọng Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, bày tỏ sự ấn tượng trước trang thiết bị hiện đại của Trường Cơ khí – Ô tô. Ông đánh giá cao những thành tựu mà nhà trường đạt được trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, đồng thời nhận định rằng mô hình phát triển hiện tại của Trường phù hợp với xu hướng các trường đại học kỹ thuật hàng đầu thế giới.
TS. Nguyễn Trọng Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình bày chi tiết về các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, và bản quyền
Tại tọa đàm, TS. Nguyễn Trọng Hiếu đã trình bày chi tiết về các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm bản đồ sáng chế. Tiếp nối, TS. Đỗ Đức Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác Công nghệ, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong việc bảo vệ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ, từ quá trình đăng ký bảo hộ đến việc thương mại hóa sản phẩm. Ông nhấn mạnh rằng quyền sở hữu trí tuệ không chỉ thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới sáng tạo mà còn góp phần gia tăng giá trị tài sản vật chất và tinh thần cho xã hội. Bên cạnh đó, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ giúp ngăn chặn các hành vi xâm phạm như sao chép lậu, từ đó khuyến khích đầu tư, chuyển giao công nghệ.
TS. Đỗ Đức Nam, Phó Viện trưởng - Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ
TS. Nguyễn Đức Công, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng Công nghệ và Phát triển Sản phẩm – Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác Công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, đã cung cấp thông tin hữu ích về quy trình đăng ký, bảo vệ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ. Ông cũng hướng dẫn cách tra cứu thông tin và thực hiện thủ tục đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, đồng thời chỉ ra những thách thức trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong kỷ nguyên công nghệ số và đề xuất các giải pháp khắc phục.
TS. Nguyễn Đức Công Giám đốc Trung tâm mô phỏng công nghệ và phát triển sản phẩm - Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ - Bộ Khoa học và công nghệ trao đổi tại buổi tọa đàm
TS. Nguyễn Hoàng - Giảng viên chính, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh tại đại học Mỏ - Địa Chất trao đổi vào các chiến lược để xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh với chủ đề: “Kinh nghiệm thực tiễn và bài học thành công”
Ngoài ra, TS. Nguyễn Hoàng, Giảng viên chính, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh tại Đại học Mỏ - Địa Chất, đã chia sẻ kinh nghiệm về chiến lược xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, tăng cường hợp tác và khuyến khích đổi mới sáng tạo thông qua những bài học thực tiễn và mô hình thành công.
Toàn cảnh tọa đàm "Đổi mới công nghệ và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh" tại Trường Cơ khí – Ô tô
Buổi tọa đàm đã tạo cơ hội cho các chuyên gia, giảng viên và nhà nghiên cứu trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và thảo luận về những thách thức trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Những thông tin được chia sẻ không chỉ giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ mà còn trang bị cho giảng viên, nhà nghiên cứu những kỹ năng cần thiết để khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ. Đồng thời, tọa đàm góp phần thúc đẩy sự phát triển của các nhóm nghiên cứu mạnh, hỗ trợ tiến bộ khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Trường Cơ khí – Ô tô sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo, tọa đàm nhằm tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
*MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI TỌA ĐÀM “ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ VÀ PHÁT TRIỂN NHÓM NGHIÊN CỨU MẠNH” TẠI TRƯỜNG CƠ KHÍ – Ô TÔ:
Thứ Sáu, 09:35 28/03/2025