Hội thảo luận án tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Nguyễn Duy Trinh ngành Kỹ thuật Cơ khí, Trường Cơ khí – Ô tô
Chiều ngày 29/11/2024, Trường Cơ khí – Ô tô, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức Hội thảo luận án tiến sĩ cho nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Duy Trinh dưới sự chủ trì của PGS.TS. Trần Đức Quý và sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài trường.
NCS. Nguyễn Duy Trinh đã trình bày một cách đầy thuyết phục về nghiên cứu luận án tiến sĩ với đề tài “Nghiên cứu nâng cao chất lượng bề mặt khi gia công đánh bóng hợp kim Ti-6AI-4V sử dụng hỗn hợp lỏng từ tính” dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Hoàng Tiến Dũng – Hiệu trưởng Trường Cơ khí – Ô tô. NCS khẳng định mục tiêu của đề tài là phát triển quy trình đánh bóng MRF (Magnetorheological Finishing) tiên tiến, cho phép đạt được độ nhám bề mặt ở cấp độ nanomet cho hợp kim Ti-6Al-4V, một loại vật liệu quan trọng trong các ngành công nghiệp hiện đại.
Mục tiêu, ý nghĩa thực tiễn của nghiên cứu:
- Mô hình đánh bóng MRF cải tiến: Sử dụng mảng Halbach tối ưu hóa và dung dịch từ tính thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả bóc tách vật liệu vượt trội và nâng cao chất lượng bề mặt.
- Mô hình toán học tiên tiến: Xây dựng thành công mô hình toán học mô tả lực tác động trong quá trình đánh bóng, tạo nền tảng lý thuyết vững chắc cho việc tối ưu hóa quy trình.
- Ứng dụng rộng rãi: Kết quả nghiên cứu mở ra tiềm năng ứng dụng to lớn trong các lĩnh vực đòi hỏi độ chính xác cao như hàng không, y tế và hóa dầu.
NCS. Nguyễn Duy Trinh trình bày luận án tại hội thảo
Luận án đã thuyết phục hội đồng bởi cách tiếp cận toàn diện, kết hợp nghiên cứu lý thuyết, mô phỏng và thực nghiệm. NCS. Nguyễn Duy Trinh đã phân tích sâu sắc các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình đánh bóng, sử dụng phần mềm COMSOL Multiphysics để mô phỏng từ trường và tiến hành các thí nghiệm thực tế để kiểm chứng mô hình.
Toàn cảnh Hội thảo luận án tiến sĩ
Những kết quả đạt được của nghiên cứu:
- Mảng Halbach cải tiến: Tăng cường lực đánh bóng và hiệu quả bóc tách vật liệu.
- Dung dịch từ tính thân thiện với môi trường: Đảm bảo an toàn cho người sử dụng và môi trường.
- Mô hình toán học chính xác cao: Cho phép dự đoán hiệu suất và tối ưu hóa quy trình.
Hội đồng đánh giá cao kết quả và đề xuất những nội dung để hoàn thiện luận án
Các chuyên gia đã có những trao đổi sôi nổi, thẳng thắn và khách quan, đưa ra những đánh giá chi tiết về Luận án. Hội đồng ghi nhận sự phù hợp của Luận án với chuyên ngành Kỹ thuật Cơ khí, đồng thời đánh giá cao tính mới, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài. Bên cạnh những ưu điểm, các chuyên gia cũng chỉ ra một số điểm cần chỉnh sửa, hoàn thiện thêm để Luận án đạt chất lượng tốt hơn.
PGS.TS. Hoàng Tiến Dũng, Người hướng dẫn khoa học và nghiên cứu sinh đã gửi lời cảm ơn chân thành tới các chuyên gia về những ý kiến đóng góp quý báu. Nghiên cứu sinh và giảng viên hướng dẫn sẽ tiếp thu và chỉnh sửa Luận án theo những góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học.
PGS.TS. Hoàng Tiến Dũng – Hiệu trưởng Trường Cơ khí – Ô tô, Người hướng dẫn khoa học phát biểu
Kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Trần Đức Quý - Chủ trì Hội thảo đã tổng hợp những nhận xét, góp ý của các chuyên gia. Thầy khẳng định luận án cơ bản đáp ứng yêu cầu về nội dung của một luận án tiến sĩ kỹ thuật. Tuy nhiên, Hội đồng cũng đề nghị nghiên cứu sinh cần chỉnh sửa luận án theo góp ý của Hội đồng trước khi bước vào bảo vệ cấp cơ sở.
PGS.TS. Trần Đức Quý, chủ trì hội thảo phát biểu
Hội thảo luận án tiến sĩ của NCS. Nguyễn Duy Trinh đã khép lại thành công, nghiên cứu của NCS hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của công nghệ đánh bóng trong tương lai.
*MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI HỘI THẢO LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHO NGHIÊN CỨU SINH:
Thứ Hai, 14:38 02/12/2024