Hội thảo luận án tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Nguyễn Hồng Tiến chuyên ngành Kỹ thuật Cơ khí, Trường Cơ khí – Ô tô
Chiều ngày 03/01/2025, Trường Cơ khí – Ô tô, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức Hội thảo luận án tiến sĩ cho nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Hồng Tiến dưới sự chủ trì của PGS.TS. Phạm Văn Bổng và sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài trường.
NCS. Nguyễn Hồng Tiến đã trình bày một cách thuyết phục về nghiên cứu luận án tiến sĩ với đề tài “Nghiên cứu nâng cao độ bền mòn vít ép tải trọng cao bằng các giải pháp tính toán thiết kế kết hợp xử lý bề mặt tiên tiến” dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Nguyễn Tuấn Linh – Trưởng phòng Đào tạo, Khoa học công nghệ và Công tác sinh viên, Trường Cơ khí – Ô tô và TS. Nguyễn Văn Thiện – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
NCS Nguyễn Hồng Tiến khẳng định mục tiêu chính của đề tài là nâng cao độ bền mòn của vít ép tải trọng cao, từ đó góp phần:
- Tăng tuổi thọ thiết bị: Vít ép có độ bền mòn cao sẽ hoạt động ổn định và lâu dài hơn, giảm thiểu nhu cầu thay thế và bảo trì.
- Cải thiện hiệu suất sản xuất: Vít ép hoạt động hiệu quả giúp duy trì năng suất sản xuất ổn định, tránh gián đoạn do hỏng hóc.
- Giảm chi phí vận hành: Kéo dài tuổi thọ và tăng hiệu suất của vít ép giúp tiết kiệm chi phí vận hành, bảo trì và thay thế.
Những đóng góp quan trọng của nghiên cứu này bao gồm:
- Lựa chọn thiết kế: Đề xuất biên dạng và thông số hình học phù hợp cho vít ép tải trọng cao, nhằm cải thiện độ bền mòn và tăng độ bền trong môi trường làm việc khắc nghiệt.
- Mô phỏng hiện đại: Xây dựng mô hình mô phỏng quá trình làm việc của vít ép, giúp hiểu rõ hơn về cơ chế mài mòn và biến dạng, từ đó đưa ra các giải pháp tối ưu.
- Xử lý bề mặt tiên tiến: Nghiên cứu và kiểm chứng hiệu quả của các công nghệ xử lý bề mặt tiên tiến trong việc nâng cao độ bền mòn cho vít ép.
- Kết hợp đa lĩnh vực: Kết nối khoa học, công nghệ chế tạo và kỹ thuật xử lý bề mặt, tạo ra phương pháp tiếp cận tổng thể để cải tiến thiết kế và nâng cao độ bền mòn.
Ứng dụng vào thực tiễn
Nghiên cứu này có ý nghĩa thực tiễn cao, ứng dụng được trong ngành sản xuất than sạch và nhiều ngành công nghiệp khác. Kết quả nghiên cứu góp phần:
- Tăng năng suất và chất lượng sản phẩm: Vít ép hoạt động hiệu quả giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
- Giảm chi phí sản xuất: Tiết kiệm chi phí vận hành, bảo trì và thay thế thiết bị.
NCS. Nguyễn Hồng Tiến trình bày luận án tại hội thảo
Luận án đã thuyết phục hội đồng bởi cách tiếp cận toàn diện, kết hợp nghiên cứu lý thuyết, mô phỏng và thực nghiệm. NCS. Nguyễn Hồng Tiến đã đưa ra những đóng góp mới của luận án: Thiết kế được hệ thống buồng ép – vít ép đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và tối ưu các thông số thiết kế; Đã xây dựng được một mô hình mô phỏng trên máy tính nhằm đánh giá quá trình làm việc của vít ép; Đã xác định được các mô hình toán học thực nghiệm cho vít ép nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất.
Toàn cảnh Hội thảo luận án tiến sĩ
Hội đồng đánh giá cao và đề xuất những hoàn thiện
Các chuyên gia đã có những trao đổi sôi nổi, thẳng thắn và khách quan, đưa ra những đánh giá trung thực về Luận án. Hội đồng ghi nhận sự phù hợp của Luận án với chuyên ngành Kỹ thuật Cơ khí, đồng thời đánh giá cao tính mới, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài. Bên cạnh những ưu điểm, các chuyên gia cũng chỉ ra một số điểm cần chỉnh sửa, hoàn thiện thêm để Luận án đạt chất lượng tốt hơn.
PGS.TS. Nguyễn Tuấn Linh (GVHD 1) và nghiên cứu sinh đã gửi lời cảm ơn chân thành tới các chuyên gia về những ý kiến đóng góp quý báu. Nghiên cứu sinh và tập thể hướng dẫn cam kết sẽ tiếp thu và chỉnh sửa Luận án theo những góp ý của các chuyên gia.
PGS.TS. Nguyễn Tuấn Linh – Trưởng phòng Đào tạo, Khoa học công nghệ và Công tác sinh viên; GVHD 1 phát biểu
Kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Văn Bổng - Chủ trì Hội thảo đã tổng hợp những nhận xét, góp ý của các chuyên gia. Thầy khẳng định luận án cơ bản đáp ứng yêu cầu về nội dung của một luận án tiến sĩ kỹ thuật. Tuy nhiên, Hội đồng cũng đề nghị nghiên cứu sinh cần nghiêm túc chỉnh sửa luận án theo góp ý của Hội đồng trước khi bước vào bảo vệ cấp cơ sở.
PGS.TS. Phạm Văn Bổng phát biểu tại hội thảo
Hội thảo luận án tiến sĩ của NCS Nguyễn Hồng Tiến đã thành công tốt đẹp, khẳng định sự đóng góp tích cực của nghiên cứu trong việc giải quyết vấn đề thực tiễn của ngành cơ khí.
*MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI HỘI THẢO LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHO NGHIÊN CỨU SINH:
Thứ Ba, 13:25 07/01/2025